DNVN – Mùa cao điểm hè 2022 sắp khép lại và du lịch Đà Nẵng đang tập trung nỗ lực thu hút khách quốc tế để không bị rơi trở lại tình trạng “ngủ đông”, như khi xảy ra dịch COVID-19, trong mùa thấp điểm sắp tới. Trong bối cảnh các thị trường khách quốc tế vẫn còn nhiều khó khăn, du lịch Đà Nẵng đang đặt nhiều kỳ vọng vào thị trường mới Ấn Độ.
Phóng viên Doanh nghiệp Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Đức Quỳnh, Tổng Giám đốc Furama Danang Resort, Chủ tịch Hội Khách sạn và là Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng về những triển vọng của thị trường khách Ấn Độ đối với du lịch Đà Nẵng trong thời gian tới.
Bên cạnh thị trường truyền thống hàng đầu là Hàn Quốc, ông kỳ vọng gì vào nguồn khách Ấn Độ để du lịch Đà Nẵng không phải “ngủ đông” trở lại khi đối mặt với mùa thấp điểm?
Ông Nguyễn Đức Quỳnh: Nguồn khách mùa thấp điểm luôn là bài toán “đau đầu” của du lịch Đà Nẵng. Với sự bùng nổ khách Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản và các thị trường quốc tế khác trước năm 2020, có thể nói bài toán này đã cơ bản được giải, du lịch Đà Nẵng gần như có khách cả năm. Tuy nhiên sau khi xảy ra COVID-19 thì bài toán này trở lại nan giải như trước.
Đáng mừng là sau các đợt xúc tiến của du lịch Đà Nẵng tại Ấn Độ và các chuyến famtrip của các lữ hành hàng đầu Ân Độ sang khảo sát du lịch Đà Nẵng, có thể nói gần đây lượng khách từ Ấn Độ đến Đà Nẵng bắt đầu tăng lên. Như tại Furama Đà Nẵng hàng ngày đều có 3 – 4 gia đình Ấn Độ lưu trú để tham quan du lịch trên địa bàn TP và các vùng lân cận.
Hiện các nhóm khách này bay thẳng từ Ấn Độ tới Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, rồi nối chuyến bay hay theo tour xuyên Việt kéo dài 10 ngày tới Đà Nẵng. Chắc chắn nếu Đà Nẵng và Việt Nam được quảng bá tốt hơn về du lịch nghỉ dưỡng thì khách Ấn Độ sẽ chuyển hướng ngay tới du lịch Việt Nam. Đồng thời sắp tới, các đường bay thẳng nối 5 tỉnh thành của Ấn Độ với Đà Nẵng được Vietjet Air đưa vào khai thác thì lượng khách Ấn đến Đà Nẵng sẽ tăng đáng kể.
Mới đây Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác với Hiệp hội các Công ty du lịch MICE Ấn Độ (NIMA), hai bên sẽ có các chiến dịch cụ thể đẩy mạnh du lịch MICE của Đà Nẵng và Ấn Độ trong thời gian tới.
Theo ông, vấn đề quan trọng nhất hiện nay để thúc đẩy du lịch Ấn Độ – Đà Nẵng là gì?
Ông Nguyễn Đức Quỳnh: Mặc dù mối quan hệ ngoại giao và văn hoá giữa hai nước hết sức lâu dài (50 năm), nhưng người dân Ấn Độ chưa biết nhiều về một Việt Nam tươi đẹp và đáng đi du lịch, cũng như người Việt Nam hầu như chưa biết đến một Ấn Độ giàu bản sắc, hùng vĩ với danh lam thắng cảnh và đền đài. Cho nên quan trọng nhất hiện nay vẫn là công tác xúc tiến, quảng bá. Nếu du lịch 2 nước cùng “bắt tay” quảng bá thì sẽ rất tuyệt vời.
Xuất phát từ việc số lượng lớn khách Ấn Độ sử dụng chuyến bay của Vietjet Air tới Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và sắp tới là Đà Nẵng rồi nối chuyến tới Bali (Indonesia), Singapore, Kuala Lumpur (Malaysia) nên thị trường này càng tiềm năng hơn nếu chúng ta quảng bá du lịch tại Ấn Độ mạnh hơn, có chiến lược sâu rộng hơn.
Không chỉ là một TP biển có sông có núi và là cửa ngõ tới các Di sản thế giới Hội An, Mỹ Sơn và Huế, Đà Nẵng còn có ưu thế đặc biệt về nguồn hải sản phong phú, gia cầm chất lượng cao, gia vị dồi dào, ẩm thực rất phù hợp với du khách Ấn Độ, lòng mến khách của người dân ở đây làm du khách Ấn Độ rất hài lòng. Các nhà hàng Ấn Độ tuy số lượng chỗ ngồi còn hạn chế nhưng đáp ứng được một phần nhu cầu ăn uống của du khách Ấn.
Du lịch Đà Nẵng đã chuẩn bị như thế nào để đón tiếp nguồn khách Ấn Độ có hiệu quả?
Ông Nguyễn Đức Quỳnh: Rõ ràng Ấn Độ sẽ là nguồn khách quan trọng với nhiều điểm đến tại Việt Nam. Đặc biệt, đây phải được coi là cứu cánh của du lịch Đà Nẵng, giúp cơ cấu khách lành mạnh hơn và các khách sạn ít sao có lượng khách tốt hơn trong giai đoạn phục hồi sau COVID-19. Chính sách mở cửa tích cực của Ấn Độ cùng nhu cầu du lịch lớn của du khách nước này có thể giúp Đà Nẵng bù đắp các thị trường truyền thống Đông Bắc Á chưa mở cửa hoàn toàn.
Sắp tới đây, Hội Khách sạn Đà Nẵng sẽ lên chuyên đề về thị trường Ấn Độ, đặc biệt sẽ mời các đầu bếp người Ấn Độ đào tạo cho bếp trưởng của các khách sạn nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng để có thể bổ sung món Ấn Độ vào thực đơn hàng ngày của mình. Điều này thể hiện sự quyết tâm của ngành du lịch Đà Nẵng đối với thị trường mới Ấn Độ.
Xin cám ơn ông về cuộc trao đổi này!